Phát thanh xúc cảm của bạn !

Biết Ơn Quá Khứ (Blog Radio 846)

2023-08-07 08:25

Tác giả: Hua Jasmine Giọng đọc: Hà Diễm, Sand

/* Vast 2.0 */ http://delivery.yomedia.vn/vast?pid=a405a5385f9a4c0cbf2740ccd5d84519&ec=0&ref=[yo_page_url]&w=[player_width]&h=[player_height]&aaid=[yo_device_aaid]&idfa=[yo_device_idfa] https://delivery.yomedia.vn/vast?pid=a405a5385f9a4c0cbf2740ccd5d84519&ec=0&ref=[yo_page_url]&w=[player_width]&h=[player_height]&aaid=[yo_device_aaid]&idfa=[yo_device_idfa] /* Vast 3.0 */ http://delivery.yomedia.vn/vast?pid=a405a5385f9a4c0cbf2740ccd5d84519&vast=3&ec=0&ref=[yo_page_url]&w=[player_width]&h=[player_height]&aaid=[yo_device_aaid]&idfa=[yo_device_idfa] https://delivery.yomedia.vn/vast?pid=a405a5385f9a4c0cbf2740ccd5d84519&vast=3&ec=0&ref=[yo_page_url]&w=[player_width]&h=[player_height]&aaid=[yo_device_aaid]&idfa=[yo_device_idfa]

Xin chào các thính giả mến thương của Blog Radio, cảm ơn bạn vì đã luôn đồng hành cùng chúng tôi mỗi tối. Chúng ta ở đây ít nhiều đều đã trải qua, va vấp không ít trong tình cảm, trong công việc để có thể tôi luyện ra bản thân ngày hôm nay. Quá khứ cho ta nhiều bài học, nhiều trải nghiệm, niềm vui và cả nỗi đau. Hãy tin rằng mọi điều xảy ra đều có nguyên do của nó, bạn của ngày hôm nay sẽ trưởng thành và tốt đẹp hơn hôm qua.

Ngay bây giờ mời các bạn đến với truyện ngắn “Biết ơn quá khứ” của tác giả Hua Jasmine và cùng lắng nghe câu chuyện của nhân vật Hiên.

...

Hôm ấy là thứ sáu, Hiên đi bộ đến trường đón con về. Hai mẹ con đi trên lề, Ryo vừa đi vừa vung vẩy chiếc jojo, thỉnh thoảng lại kể một chuyện nhỏ ở lớp.

"Mẹ này, bạn Nhã An năn nỉ xin con con ốc mượn hồn, mà con tiếc quá nên giờ vẫn chưa đưa nữa…"

"Mẹ ơi, lát con phải ăn cơm thật nhanh, vì hôm nay có nhiều bài về nhà lắm…"

Trời đã tắt nắng, họ dừng lại ở ngã tư, Hiên nắm chặt tay Ryo.

"Mẹ ơi, chúng ta đi ăn kem được không?"

"Được, nhưng còn bài về nhà của con?"

"Ăn kem xong con sẽ thông minh hơn mẹ ạ!"

Hiên phì cười, trong tiếng reo hồ hởi của Ryo. Cô luôn có cảm giác hạnh phúc mỗi khi nghe tiếng reo của con trai. Không ai biết, đó là những âm thanh mầu nhiệm đã hồi sinh trái tim mệt mỏi của Hiên, sau rất nhiều ngày lầm lũi sống.

Bốn năm trước, khi cầm trong tay quyết định ly hôn, có cả nội dung giao con trai cho chồng nuôi dưỡng, Hiên điếng người không khóc nổi, cảm giác mất mát tràn ngập cõi lòng.

Trước cổng tòa, Hiệp cùng mẹ anh ta lướt qua, thảy lại một câu:

"Cô giờ chỉ có vô chùa tu là hợp nhất!"

"Để con gái tôi yên! Chúng tôi rồi sẽ giành lại quyền nuôi thằng Ryo, đừng đắc ý quá!"

Cho đến khi nghe được câu nói đó, Hiên mới nhớ có mẹ đi cùng.

Ở xóm đường ray, gia đình Hiên nổi tiếng nề nếp. Bố cô là công chức về hưu, mẹ có tiệm may nhỏ tại nhà. Hai em trai dưới cô đều đang học đại học công. Vì bố Hiên gia trưởng, nên trong nhà mọi người đều nhìn sắc mặt ông mà sống. Dù không khí gia đình không quá ngột ngạt, nhưng rất ít tiếng cười, cũng ít tâm tình được chia sẻ.

Ngày Hiên ba mươi tuổi, bố cô bảo:

"Con Hiên, mai chuẩn bị quần áo lịch sự, có người qua xem mắt đấy."

Hiên còn chưa kịp hỏi thêm gì, thì mẹ cô đã gật gù:

 "Ông làm thế là phải. Tôi cứ nhìn con gái mà nẫu cả ruột ra."

Vậy là nhờ mai mối mà Hiên gặp Hiệp. Hiệp là giảng viên đại học, ít nói, lịch sự, nên Hiên, cũng như mọi người trong nhà, khá thiện cảm với anh. Sau vài lần hẹn hò, Hiệp xin cưới, bố mẹ Hiên mừng như bắt được vàng.

Giống như bố Hiên, Hiệp cũng là người gia trưởng. Anh yêu cầu Hiên lo việc trong nhà chu đáo, cơm nóng canh ngọt, sạch sẽ trong ngoài. Hiên làm đâu ra đó, nên Hiệp tỏ ra rất hài lòng.

Một hôm, Hiệp nói với Hiên khi họ ăn tối bên ngoài cùng nhau:

"Em nên xin nghỉ làm điều dưỡng, kiếm việc gì nhàn nhàn thôi, online cũng được."

"Em làm điều dưỡng quen rồi, sau này về già hưởng lương hưu cũng khá mà anh?"

"Khá gì? Rồi còn con cái sau này nữa, anh thấy mấy người làm điều dưỡng như em, đẻ con chưa bao lâu đã phải đi làm lại, khổ thân đứa nhỏ."

"Không sao đâu mà, cứ để em làm."

"Thôi, đừng đôi co nữa. Tuần sau em viết đơn xin nghỉ, kiếm việc gì nhẹ nhàng, lương ít cũng được."

Đó là mệnh lệnh mà Hiên không có khả năng thay đổi.

...

Chọn việc bán đồ khô qua mạng, Hiên bắt đầu nhận ra cô cũng có năng khiếu kinh doanh. Lúc đầu còn một, hai đơn, sau đến cả trăm đơn mỗi tuần. Hiên  nhờ mẹ đóng hàng giúp, nhưng luôn dặn bà không nói cho Hiệp biết, vì sợ chồng bắt mình bỏ nghề thêm lần nữa.

"Anh ấy muốn mình nhàn, mà bận rộn như này còn tệ hơn khi làm điều dưỡng nữa!"

Đó là khoảng thời gian Hiên thật sự vui, cô kiếm được tiền khá dễ dàng, nhưng âm thầm dành dụm, không nói với Hiệp. Lúc nào chồng hỏi, cô cũng đáp:

"Tháng này em kiếm bằng nửa lương lúc trước, nhưng buôn bán cũng vui anh ạ."

"Ừ, vậy tốt rồi."

Còn đúng nửa tháng là tròn một năm ngày cưới, Hiệp đột nhiên báo tin mẹ chồng sẽ đến ở cùng.

"Tháng sau anh hai sửa nhà nên mẹ muốn lên thành phố ở với chúng mình. Cũng đã đến lúc anh phải phụng dưỡng mẹ rồi."

Hiên có chút bất ngờ, nhưng vẫn tự an ủi rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Cô gọi thợ đến sơn mới phòng dành cho mẹ chồng, thay toàn bộ giường tủ bằng tiền túi, và tự nhủ: "Hy vọng mẹ anh ấy sẽ vừa lòng."

biet_on_qua_khu

...

Nhưng mọi chuyện đã không hề giống như Hiên nghĩ. Sau mấy phút đầu gặp gỡ, mẹ chồng đã nhăn mặt hỏi:

"Trời! Sao vợ con xấu thế hả Hiệp?"

Sở dĩ có câu cảm thán kỳ lạ đó, là do họ mới gặp nhau được hai lần. Lần đầu là trong lễ gia tiên ở nhà Hiên. Lần đó, do mặt mũi Hiên được trang điểm kỹ, mẹ chồng lại đang ốm nên mới xong phần lễ lạy thì đã vội xin phép ra về. Mẹ Hiên thấy chồng khó chịu, đã phải xoa dịu ông:

"Do người ta không khỏe thôi, có mặt xin dâu là được rồi ông."

Sau đám cưới, mấy lần Hiệp về thăm mẹ đều đi một mình, dù Hiên luôn đề nghị được theo anh.

"Chừng nào thong thả rồi anh đưa em về chơi lâu với mẹ. Lần này anh đi về trong ngày, nên lu bu lắm."

Hôm ấy, mẹ chồng dường như rất thích thú với màn chê bai con dâu, nên đã nói không ngừng.

"Mẹ nghe nó nói chuyện, nhìn qua điện thoại, cứ nghĩ xấu ít thôi, ngờ đâu lại xấu thế này!"

Hiên quả có hơi thấp người, da ngăm, tóc lại xoăn, nên nhìn không bắt mắt, nhưng cô chưa bao giờ nghĩ mình quá xấu xí, như cách mẹ chồng đang nói khi đó.

"Sao mẹ lại nói về con thế ạ?"

"Chứ con muốn mẹ phải bảo con là hoa hậu hay sao?"

Hiệp quay sang gắt Hiên:

"Em im ngay đi. Em xấu thì mẹ bảo xấu, còn cãi gì nữa!"

...

Mẹ con Hiệp làm Hiên sốc, nên từ đó trở đi cô không tham gia vào câu chuyện của họ nữa. Dù vậy, những ngày sau, cuộc sống của cô đã phải thay đổi hoàn toàn.

Sáu giờ sáng, khi Hiên xào mì gói với rau và thịt bằm cho Hiệp thì mẹ chồng hỏi rất khó chịu:

"Cô cho thằng Hiệp ăn mấy thứ này hàng ngày hả? Làm vợ kiểu gì vậy chứ?"

Buổi tối, khi món cá thu chiên dằm mắm ớt tỏi vừa dọn ra, mẹ chồng đã sấn đũa kiểm tra, rồi lắc đầu nguầy nguậy:

"Khô quá, chiên cá kiểu này mất hết chất rồi còn đâu!"

Bữa ăn nào có ba người, Hiên cũng bị chê bai bằng đủ thứ lời khó nghe. Thậm chí có lần, khi vừa dọn bánh mì nướng ăn cùng mứt và phô-mai theo kiểu Âu cho bữa sáng, mẹ chồng còn hất đổ cả bánh và sữa ra bàn, rồi lớn tiếng:

"Tôi cấm cô làm mấy món này cho tôi với thằng Hiệp ăn, nghe rõ chưa? Đúng là lố lăng, học đòi!"

Hết chê cá chiên khô mất chất, đến bảo canh chua không chua, rồi cấm cả món Âu… tất cả những thứ Hiên làm đều là mấy món Hiệp vẫn ăn hàng ngày trước đây, nhưng nay, khi mẹ chồng đến, Hiệp lại bỏ không ăn, một mực hùa vào với mẹ mắng vợ:

"Em lười cũng vừa thôi. Lần sau còn cho mẹ ăn mấy thứ này là không được đâu.

Hiên thật sự áp lực, và cảm thấy khó hiểu với các hành xử kỳ lạ của chồng. Hiệp như biến thành một người khác hoàn toàn, thay vì nói đỡ cho vợ, anh sẵn sàng dành nửa tiếng đồng hồ cùng mẹ vạch tội Hiên:

"Hôm nay cô lau nhà kiểu gì thế, lau lại ngay đi!"

"Giặt đồ mẹ bằng nước lã hay sao mà không thơm gì cả?"

Hiên không cãi, cố chịu đựng để được yên thân. Dù vậy, đêm nào khi Hiệp ngủ say, cô cũng giấu tiếng khóc trong tiếng nước vòi sen tắm.

..

Hè năm đó, Hiên có thai. Đến đầu năm sau, cô sinh Ryo.

Sự có mặt của con trai khiến tâm trạng Hiên đỡ bức bối. Cô cảm thấy sự nhẫn nại của bản thân đã không uổng phí.

Mẹ chồng vui ra mặt, lúc nào cũng ở gần nôi của Ryo, hết nựng má, lại xoa nắn tay chân thằng bé. Dù vậy, bà vẫn không bớt ghét Hiên.

"Hiệp này, nhà ta còn có phước đấy!"

"Sao hả mẹ?"

"Thằng Ryo giống con, nên mới được thế này. Chứ giống con mẹ nó, thì chắc là xấu lắm."

Hiệp cười với mẹ anh, không quên chế giễu Hiên.

"Cái đầu tóc quăn ấy mà vận vào thằng Ryo thì nguy mẹ nhỉ?!'

"Ừ, đúng. Giờ mẹ mới thấy là còn may!"

Hai người họ nói những lời xúc phạm Hiên một cách hả hê, như thể cô đã gây ra tội gì lớn lắm. Hiên nghe người ta bảo sau sinh dễ trầm cảm, nhưng tình trạng của Hiên còn nặng nề hơn. Mỗi ngày qua, cô đều thêm ác cảm với mẹ chồng, đến khi cả Hiệp cũng trở thành đối tượng bị Hiên căm ghét thì cô phải lén đăng ký một buổi khám thần kinh.

"Hoàn cảnh gia đình tiêu cực quá, thì nên nói rõ với mọi người.”

"Em không nói được, họ sẽ làm mọi chuyện tệ hơn."

"Vậy về nhà ba mẹ em đi, nếu không thể đi đâu đó khỏi họ."

Nghe lời bác sĩ, Hiên về lại nhà ba mẹ, nói rằng mình có dấu hiệu trầm cảm. Ba Hiên nhìn con gái như thể cô là một sinh vật lạ.

"Trầm cảm? Ý là con sắp điên phải không?"

Hiên lắc đầu, quay lưng bỏ vào buồng. Đó là lần đầu tiên trong suốt ba mươi ba năm, cô dám không trả lời ba mình, và quá đáng hơn, còn mặc kệ ông để làm theo cảm xúc của cô.

Mẹ Hiên nín thở theo dõi sự việc, chắc mẩm sẽ phải che chắn cho con gái. Nhưng không, chồng bà không la hét, hay tức giận như mọi khi, ông kéo bà sát lại, thì thào:

"Không ổn rồi. Con Hiên không ổn đâu bà!"

Mẹ Hiên bước vội vào buồng, thấy con gái nằm nhìn trân trối trần nhà, thì lo lắng hỏi:

"Con thấy trong người sao rồi? Mẹ pha nước chanh uống nha."

"Dạ, cho con một ly nước chanh."

Mẹ Hiên vừa ra khỏi cửa, thì Hiên khóa chốt. Hai cậu em trai vạm vỡ lao cả thân người đến bận thứ ba mới làm long bộ bản lề.

"Ầm!"

Tiếng cánh cửa gỗ đổ ập xuống sàn khiến Hiên giật mình. Nhìn những vết cứa mảnh như sợi chỉ chằng chịt trên cổ tay Hiên, hai cậu em khóc nấc lên:

"Chị hai, có gì cứ nói với em, em nghe hết, em bảo vệ chị được mà!"

Mẹ Hiên lết lại ôm ba đứa con, lạc giọng:

"Mẹ ở đây, mẹ không để con như này nữa đâu…"

Ba Hiên đứng ngoài phòng, nhìn Hiên như cái thây ma, tự dưng nước mắt ở đâu trào ra không ngăn được.

"Con ơi, ba là ba con mà. Sao lại ra nông ni này?"

Ryo không có sữa mẹ, đã khóc suốt cả ngày hôm ấy. Hiên nhớ con, nhưng ba cô không cho về lại nhà chồng.

"Nó có chân đi. Muốn con trai bú được sữa mẹ, thì phải đưa thằng bé tới đây."

"Đừng lo, Hiên. Nó phải tới."

Mẹ cô chắc nịch. Quả nhiên trưa hôm sau, Hiệp bế con sang. Hiên vồ lấy con, cho thằng bé bú trong nước mắt. Ba Hiên ngồi nói chuyện gì đó với Hiệp, lát thấy anh về, sau khi quay lại bảo Hiên:

"Anh để Ryo lại với em vài hôm. Cuối tuần anh qua đón hai mẹ con về nhé. Cứ thoải mái, đừng nghĩ ngợi nhiều."

Hiên nghe nhưng cúi gằm mặt xuống. Hiệp đi được chừng mười phút, cô mới ngẩng lên, nhìn ba mẹ:

"Con không về bên đó nữa đâu ạ."

"Vậy thì cũng không cần về."

Ba Hiên luôn nói năng gãy gọn, lần nào cũng là mệnh lệnh, lần này cũng vậy.

Cuối tuần ấy, Hiệp qua rước Hiên về, cô đổi ý, theo chồng lên xe.

Trên đường đi, Hiệp luôn nhìn hai mẹ con Hiên qua gương hậu, nhưng không mở miệng nói lời nào. Về đến nhà, khi Hiên vừa ôm con vào phòng khách, mẹ chồng đã liếc cô, bảo:

"Đi chơi vui quá hả? Nhà này không có cô vẫn ổn, nên chẳng cần về đâu!"

Hiên không đáp, chậm chạp bế con vào phòng. Chiều tối, mẹ Hiên qua nhà thông gia, mang đồ ăn cho con gái.

"Bà cưng con quá nhỉ, thảo nào nó chẳng hư!"

"Con mình mình thương thôi, chứ chẳng lẽ đợi người ngoài thương sao bà?"

Mẹ chồng Hiên còn nói nhiều câu khó nghe khác, nhưng mẹ Hiên cứ việc nào cần làm thì làm, việc nào cần nói thì nói, nhỏ nhẹ mà thâm thúy. Đến tối, mẹ Hiên về. Lúc ra cổng, mẹ chồng nhìn thông gia bảo:

"Mai bà đừng đến nữa, con Hiên nó cư xử quá đáng là do bà đấy."

"Không, tôi chỉ làm đúng bổn phận của người làm mẹ thôi. Con tôi đang ở cữ, bà không thương thì có tôi lo. Mai tôi sẽ đến."

Sự cứng rắn của mẹ Hiên khiến mẹ Hiệp vừa tức, lại vừa sợ. Bà không muốn ảnh hưởng đến cháu nội, vì thằng bé đang bú sữa mẹ. Bà ta tự thủ thỉ với bản thân.

"Mình ráng chịu con kia thêm ít lâu nữa, đợi thằng cháu cứng cáp đã…"

...

Sáng hôm sau, Hiên tắm gội sạch sẽ, thay đồ mới cho Ryo, bế thằng bé ra ngoài tắm nắng. Hai mẹ con ngồi trên ghế dài, dưới bóng cây sơ-ri xanh mát.

Hơn tiếng sau, khi Ryo ngủ say, Hiên mới bế con vào nhà.

"Mau cho thằng bé vào nôi, còn lau nhà, nấu ăn cho kịp nữa."

"Từ giờ con sẽ không làm việc nhà đâu. Mọi chuyện mẹ cứ bảo chị giúp việc nhé."

"Giúp việc nào?"

"Năm phút nữa chị ấy đến. Muốn làm việc nhà kiểu gì, mẹ cứ nói với người ta."

"Mày lại nã tiền thằng Hiệp nữa sao?"

"Không, là tiền túi con đấy. Về nhà này hơn hai năm, con không ăn bám con trai mẹ dù chỉ một ngày, nên đừng nói thế ạ!"

Hiên đóng cửa phòng, và chỉ trao đổi với chị giúp việc qua tin nhắn.

biet_on_qua_khu_3 

 

Từ ngày có người giúp việc, Hiên chỉ ở trong phòng chăm sóc con trai, nhận đơn hàng online, và thỉnh thoảng tiếp mẹ mình. Quan hệ giữa Hiên với mẹ chồng nhạt như nước ốc, nhưng lại khiến cô thấy dễ chịu. Hiên không còn phải vâng dạ, mà thích thì trả lời, không thì im bặt.

Hiệp biết hết, nhưng cũng nhận ra giới hạn chịu đựng của vợ đã ở mức cuối cùng, nên anh ngại một cuộc bùng nổ.

Khi Ryo đầy năm, thì Hiệp đưa đơn ly hôn. Hôm ấy, Hiên được chồng mời ra ngồi ở sofa, có cả mẹ chồng chờ sẵn.

"Chúng ta khác nhau quá, anh cảm thấy em không tôn trọng gia đình này nên anh quyết định ly hôn."

"Em đồng ý."

Sự nhanh nhảu của Hiên khiến mẹ chồng khó chịu, bà chen ngang:

"Xem ra cô thích ly hôn lắm?"

"Thích chứ mẹ, ở đây như ở tù, con chỉ mong được tự do thôi."

Rồi quay sang Hiệp, Hiên cười thật tươi:

"Cảm ơn anh đã giải thoát cho em!"

Hiệp sững sờ, anh vốn dĩ nghĩ Hiên sẽ cúi gằm mặt xuống, hoặc sẽ khóc lóc chút ít, rồi mới bỏ về nhà cô. Nhưng thực tế không như thế, Hiên tỏ ra rất vui với đề nghị của chồng, còn cảm ơn anh. Hiệp thấy tự ái bị tổn thương khi nhận ra mọi điều Hiên nói đều rất chân thành, không chút gì giả dối.

"Vậy cho nó ký mau đi.

Hiên nắn nót tên mình trên tờ đơn, cảm thấy tất cả những gánh nặng cô mang suốt hai năm qua đang rơi theo từng nét bút.

Nhưng Hiên không biết rằng mình vẫn chưa trả xong nợ, dù duyên đã tận. Khi cô vào phòng bế Ryo, Hiệp lập tức ngăn lại.

"Cô đi một mình thôi. Ryo ở lại với chúng tôi."

"Không, Ryo là con trai tôi. Con dưới chín tuổi sẽ được ưu tiên ở cùng với mẹ."

"Ra tòa mà trình bày, còn bây giờ, cô đừng hòng mang thằng bé đi!"

Mẹ chồng như muốn trút hết những ấm ức lâu nay, nên xông ngay vào đánh Hiên, trong khi Hiệp lôi được Ryo khỏi tay cô.

Yếu thế, nên chẳng bao lâu Hiên bị Hiệp lôi xềnh xệch ra cổng, rồi đẩy hẳn xuống lề đường.

Hiên cứ thế ngồi trước cổng nhà chồng, nhìn chăm chăm vào hai cổ tay chi chít những đường sọc trắng, dấu vết của những nhát dao lam gần một năm trước.

Mãi đến quá trưa, em trai út của Hiên đi học về, nhìn thấy chị ngồi lả đi dưới cái nắng đầu hè thì vội vàng bỏ xe chạy vào bế chị.

"Chị hai, có em đây. Em ở đây. Đừng sợ!"

Hiên mất quyền nuôi con, vì cả đống giấy tờ không hiểu sao Hiệp có.

"Cô ấy trầm cảm nặng, có xu hướng tự làm hại bản thân, và mọi người xung quanh. Con trai tôi sẽ nguy hiểm tính mạng nếu ở cạnh mẹ."

Chỉ một câu nói ấy, mà mọi hy vọng của Hiên bị dập tắt không thương tiếc.

Những ngày sau đó là địa ngục, với nhiều đêm Hiên mất ngủ triền miên. Cô nhìn đâu cũng thấy gương mặt đáng yêu của Ryo, nên mê sảng ngay cả khi đang thức.

"Mẹ ơi, họ cướp con trai con rồi!"

"Em ơi, chị không bao giờ được gặp lại Ryo phải không?"

Hiên chỉ tỉnh khi nhìn ba cô, và hỏi ông bằng giọng lạc thần:

"Con là người điên phải không ba?"

"Nhà này không bao giờ có người điên. Con rất tỉnh, không điên gì cả."

"Thật không ạ?"

"Thật. Ba luôn nói thật."

Hiên giơ tay như một đứa trẻ hướng về ba cô. Ông mỉm cười ôm con gái, nhưng khóe mắt đỏ hoe.

"Con giỏi lắm, bán hàng lại đi. Có nhiều tiền mới lo cho Ryo đi học trường tốt được."

Hiên chỉ cần biết bao nhiêu đó, vì cô luôn tin tưởng ba mình.

Lần mở lại cửa hàng đồ khô trên mạng, cả nhà Hiên đều góp sức. Không khí gia đình qua vài tháng đã rất tất bật, nhưng thân thiết hơn. Hiên thôi không rầu rĩ nữa, bắt đầu hoạt bát trở lại.

Theo quyết định của tòa, Hiên được thăm con vào mỗi cuối tuần, nên cứ đến sáng chủ nhật là cô lại háo hức mua rất nhiều đồ ăn, đồ chơi đến nhà chồng cũ.

Mẹ Hiệp vẫn không thay đổi thái độ với Hiên, vẫn căm ghét cô, nhưng Ryo thì khác. Từ chỗ e dè, thằng bé bắt đầu lại gần nắm tay Hiên.

"Mẹ ơi, mẹ chơi với Ryo nhé!"

Đôi lần, Hiệp cũng lướt mắt qua, nhưng không có gì ngoài sự lãnh đạm. Thường là sau ba tiếng hai mẹ con Hiên được ở cạnh nhau, mẹ Hiệp sẽ đứng ngoài cửa phòng báo hết giờ.

"Cô về được rồi. Thằng bé cần phải tắm rửa."

Giữa năm ngoái, mẹ Hiệp bị tai biến, Hiệp chủ động gọi điện cho Hiên mang Ryo về nhà chăm giúp một tuần. Bữa ấy, Hiên mừng quá, phóng xe như bay qua giữa cơn giông.

"Thắng bé ướt sẽ ốm, cô cẩu thả vậy?"

Hiên rối rít xin lỗi Hiệp, rồi chạy đi mua hai chiếc áo mưa to sụ trùm kín con trai.

"Tuần sau tôi qua đón, cô cho nó ăn theo thực đơn tôi vừa gửi nhé."

Tuần sau, mẹ Hiệp trở nặng, Hiệp và bạn gái ở luôn trong viện, nên Ryo được gửi cho Hiên vô thời hạn.

Gần ba tháng sau, mẹ Hiệp mới được cho xuất viện nhưng bà không đi lại được nữa, chỉ ngồi trên xe lăn.

Hiên qua thăm, nhưng giờ bà đã yếu chẳng nói được lời nào cay nghiệt nữa…

Khi Hiệp lập gia đình mới, Hiên đến gặp vợ mới của chồng cũ, khẩn khoản, giờ cô và anh Hiệp đã thành đôi, chỉ mong cô giúp tôi nói với Hiệp hãy để tôi được nuôi Ryo.

Gương mặt phúc hậu của cô vợ mới nở một nụ cười:

"Chị Hiên, em sẽ không chia cắt tình cảm của mẹ con chị đâu!"

"Cảm ơn cô!"

"Không, em mới là người phải nói lời cảm ơn chị!"

Hiên không hiểu ý của đối phương, nên nhướng mắt ngạc nhiên chờ nghe giải thích.

"Chị đã gánh chịu sự khó chịu nhất của anh Hiệp và mẹ anh ấy. Nhờ vậy, mà giờ em được nhẹ nhàng hơn. Mẹ anh Hiệp tâm sự với em rằng phải chăng do bà quá cay nghiệt với chị nên giờ bà phải gánh bệnh tật khi già”.

Trên đường về nhà hôm đó, Hiên chảy nước mắt khi nhận ra ý tứ sâu xa trong lời cô vợ Hiệp vừa nói. Đúng là người đầu tiên, hay gánh chịu hết những gian nan, trong quan hệ hôn nhân hay các liên kết gia đình cũng vậy. Sau mỗi đổ vỡ, tổn thương, chúng ta thường sẽ sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, trân trọng cuộc đời hơn, không phạm phải những sai lầm cũ.

Do vậy, biết ơn người đã từng là nguyên nhân để đối phương biết trân trọng kẻ đến sau như mình, cũng là một thái độ nhân văn. Bài học từ bất cứ ai cũng có giá trị với ta, nên hãy biết ơn.

"Này Ryo, con có yêu mẹ không?"

"Dạ có."

"Vậy còn ba?"

"Con cũng yêu ba, và bà nội nữa."

"Ừ, con hãy yêu tất cả chúng ta. Vì ai cũng yêu con, Ryo ạ!"

Hiên đã luôn hỏi và đáp như thế một cách trìu mến với con trai cô, mỗi khi họ dừng lại ở ngã tư chờ đèn đỏ.

© Hua Jasmine - blogradio.vn

Xem thêm:

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top